Giành HCV SEA Games 31 với kỷ lục nhiều điểm nhất trong lịch sử tham dự và cũng là đội Đông Nam Á đầu tiên có thành tích bất bại tại vòng bảng U23 Châu Á, U23 Việt Nam đang tạo nên cơn sốt, liên tục khiến bóng đá nước nhà tự hào. Vinh quang đó của “Những chiến binh sao vàng” một phần được nâng đỡ bởi chiếc cột trụ cao 1m86 mang tên Bùi Hoàng Việt Anh, một trung vệ được tôi rèn bản lĩnh từ chính tuổi thơ nhiều biến cố.
Bùi Hoàng Việt Anh là ai?
Bùi Hoàng Việt Anh sinh ngày 01/01/1999, là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có vị trí sở trường là trung vệ. Anh đang thuộc biên chế CLB Hà Nội và là trụ cột của các cấp độ ĐTQG. Hiện tại, Việt Anh đang là đội trưởng của đội tuyển U23 Việt Nam tham dự Vòng chung kết U23 Châu Á.
Việt Anh quê tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Anh sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Dù cảnh nhà không quá khá giả, nhưng bố mẹ chưa bao giờ để Việt Anh phải thiếu thốn thứ gì. Bố anh – ông Bùi Trọng Điệp, ban đầu đặt tên khai sinh con trai là Bùi Nguyễn Việt Anh, nhưng vì ngưỡng mộ tài năng của tiền vệ Trương Việt Hoàng, ông đã sửa Nguyễn thành Hoàng, tạo nên tên đầy đủ của Việt Anh như hiện tại.
Trước khi được biết đến rộng rãi, trung vệ sinh năm 1999 đã từng gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ và giới chuyên môn nhờ chiều cao ấn tượng 1m86. Cùng với đó là màn trình diễn thuyết phục trong trận đấu với Oman thuộc khuôn khổ Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Anh ghi điểm trong mắt HLV Park Hang Seo với những pha xử lý chắc chắn, hóa giải nhiều tình huống bóng bổng và tích cực tham gia tấn công trong những pha bóng cố định. Cầu thủ cao 1m86 từng nhận được số điểm 7.0 từ Sofa Score, cao thứ 3 bên phía ĐTVN.
Xuất thân “cậu ấm” và biến cố năm 12 tuổi
Không giống như nhiều trường hợp khác của bóng đá Việt Nam, các cầu thủ có hoàn cảnh gia đình khó khăn và chọn bóng đá làm con đường thoát khỏi cái nghèo, Bùi Hoàng Việt Anh lại được lớn lên trong sự cưng chiều, chăm bẵm của bố mẹ.
Những ngày thơ bé, Việt Anh muốn thứ gì, bố mẹ cũng có thể chu cấp được cho cậu. Điều này mang đến cả lợi và hại cho chàng trai sinh năm 1999. Anh có thể hoàn toàn tập trung vào học tập và chơi bóng, giúp Việt Anh gây ấn tượng mạnh với mọi người cả về học lực lẫn kỹ năng bóng đá.
Anh đã lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên khi mới lên 10 trong những giải đấu cấp huyện. Trung vệ sinh năm 1999 được mời lên trung tâm TDTT tỉnh Thái Bình tập luyện rồi sau đó là đến đội trẻ của Hà Nội. Anh cùng Đặng Văn Tới và Đoàn Văn Hậu là những cái tên ưu tú nhất của lứa cầu thủ này.
Tuy nhiên, việc được nuông chiều đã vô tình tạo thành vỏ bọc, khiến tâm lý Việt Anh vô cùng non nớt và nhút nhát. Những ngày đầu ăn tập ở xa, nỗi nhớ nhà khiến anh nhiều đêm khóc nức nở gọi về cho bố mẹ. Anh không đòi về, nhưng cũng nói rằng nhớ bố mẹ rất nhiều. Vì thế mà bố mẹ anh cũng lo ngại rằng lỡ mai này gia cảnh có bề gì, con trai của họ sẽ không chịu được.
Thế rồi, điều bố mẹ anh lo ngại cuối cùng cũng đến khi Việt Anh 12 tuổi. Trong lúc đang chuẩn bị được chuyển ra lò đào tạo trẻ của Hà Nội, gia đình anh đã gặp một biến cố lớn khiến gia sản hầu như không còn gì. Thậm chí bố mẹ Việt Anh còn bị buộc phải rời quê hương. Bố phải làm bảo vệ, mẹ thì làm công nhân để có tiền trang trải cuộc sống.
“Năm Việt Anh 12 tuổi, gia đình gặp biến cố nên bố mẹ phải rời Thái Bình để chuyển vào Bình Dương sinh sống, chỉ có thể gặp con trai 1 lần 1 năm. Thời điểm ấy, gia đình cực kỳ khó khăn, nhưng bố mẹ vẫn phải cố gắng vượt qua vì các con”. – ông Bùi Trọng Điệp bồi hồi chia sẻ. Đó là những điều mà ở thời điểm đó, Bùi Hoàng Việt Anh không thể nào hiểu hết được, mẹ anh cũng vì thế mà cố giấu con trai.
Tuy nhiên, cách Việt Anh đối mặt với những khủng hoảng đó lại khiến bố mẹ anh bất ngờ. Cậu bé 12 tuổi ngày đó không những không hoảng loạn mà còn tỏ ra bản lĩnh, gai góc, động viên ngược lại bố mẹ.
“Lúc gia đình gặp biến cố, chính Việt Anh chủ động gọi điện động viên bố mẹ. Cả nhà có khi chỉ gặp nhau 1 lần trong năm. Nhưng Việt Anh chẳng hề khóc hay kêu nhớ mẹ. Tôi biết trong lòng con còn nhiều tâm tư. Nhưng bề ngoài, nó vẫn cố rắn rỏi để tôi không khóc”. – bà Nguyễn Thị Thắm, mẹ của Việt Anh xúc động kể lại.
Chặng đường sự nghiệp không bằng phẳng
Biến cố gia đình là vậy nhưng những khó khăn Việt Anh phải đối mặt vẫn chưa dừng lại ở đó. Với tài năng bóng đá của mình, trung vệ sinh năm 1999 luôn trở nên nổi bật với các bạn bè cùng trang lứa. Ngoài vị trí sở trường là trung vệ, anh còn có thể sắm vai tiền đạo khi đội nhà chuyển sang chơi tạt cánh đánh đầu và cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ của một hậu vệ cánh khi cần.
Tuy nhiên, sự vô duyên của anh ở các cấp độ trẻ lại khiến người ta chạnh lòng.
Năm 2016, khi mới 17 tuổi, Bùi Hoàng Việt Anh đã dính một chấn thương rất nặng dẫn đến việc phải xa sân cỏ suốt 8 tháng, mọi công việc từ chụp chiếu cho đến luyện tập đều bị trì hoãn. Bản thân trung vệ sinh năm 1999 cũng cố giấu gia đình vì không muốn bố mẹ lo lắng.
Đến khi biết chuyện, bố của Việt Anh rất lo lắng, ông tìm mọi cách để cứu vãn sự nghiệp con trai, kể cả việc dồn hết gia sản để chạy chữa cho con. May mắn là ông Vũ Hồng Việt – HLV đội trẻ Hà Nội thời điểm đó đã trình bày lên BLĐ Trung tâm Đào tạo trẻ Hà Nội về trường hợp của Việt Anh. Qua đó, anh được tạo điều kiện hết mức để có thể ra sân tại giải U17 Quốc gia cùng năm.
Ở cấp độ đội tuyển, từ năm 13 tuổi, Bùi Hoàng Việt Anh luôn nằm trong danh sách triệu tập, nhưng đến khi có danh sách rút gọn cuối cùng, anh đều bị loại. Thậm chí vì bị gạch tên nhiều quá nên những lần triệu tập về sau này, bản thân anh cũng không tin là mình có thể được ở lại.
Đến năm 18 tuổi, Việt Anh cuối cùng cũng có tên trong thành phần tuyển trẻ Việt Nam sang Trung Quốc thi đấu. Thế nhưng rồi rắc rối vẫn chưa buông tha, anh bị trục trặc trong quá trình làm hộ chiếu. Để rồi sau cùng Việt Anh vẫn phải nhìn đồng đội lên máy bay với hai hàng nước mắt.
“Khi đó, con tôi chẳng muốn gặp ai. Đấy cũng là thời điểm mà Việt Anh sau này kể với bố mẹ rằng con thật sự đã có lúc mất niềm tin và chẳng hề hy vọng về cơ hội được chơi ở một giải đấu quốc tế tầm cỡ”. – bố mẹ Việt Anh chia sẻ.
Thép đã tôi thế đấy!
Chặng đường phát triển gặp vô vàn gian truân từ gia đình đến sự nghiệp, nhưng Bùi Hoàng Việt Anh chưa bao giờ thôi khiến người ta ngưỡng mộ với sự bản lĩnh, bền bỉ của mình. Liên tục vấp phải những thử thách cũng đôi lúc khiến Việt Anh nản lòng, nhưng anh không từ bỏ, vẫn đứng lên và bước tiếp, bởi đằng sau còn có gia đình.
Từng bước một, Bùi Hoàng Việt Anh khẳng định được chuyên môn của mình tại các đội U17, U19 và U21 của Hà Nội, trước khi được mang đi “du học” tại Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Tại CLB mới, Việt Anh cũng nhanh chóng chiếm suất đá chính, ra sân 23 trận trong quãng thời gian 2018 – 2020 và giúp đội bóng vô địch giải hạng Nhất Quốc gia, giành quyền thăng hạng lên V-League vào năm 2019. Đến năm 2020, trung vệ sinh năm 1999 được gọi về và chính thức trở thành một phần của đội một CLB Hà Nội.
Thi đấu ngày càng chững chạc, chiều cao tốt để đối chọi với lối đá tạt cánh phổ biến của V-League; Việt Anh đã giúp đội bóng thủ đô giành được 1 Cúp quốc gia (2020), 2 Siêu cúp Quốc gia (2020, 2021). Đồng thời, anh cũng được bình chọn là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2020 và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm tại Lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam cùng năm.
Ở các cấp độ ĐTQG, Bùi Hoàng Việt Anh đã có màn ra mắt tuyển U23 tại Vòng chung kết U23 Châu Á 2020, khi đàn anh Đình Trọng gặp chấn thương. Tuy nhiên đó lại là giải đấu không thành công của Việt Nam, nên trung vệ sinh năm 1999 chỉ được nhắc đến nhờ vào chiều cao ấn tượng 1m86 chứ chưa phải là vấn đề chuyên môn.
Đến năm 2021, trước tình hình bão chấn thương càn quét hàng thủ đội tuyển, HLV Park Hang Seo đã triệu tập Việt Anh để chuẩn bị cho trận đấu gặp Australia tại Vòng loại thứ 3 World Cup. Thế nhưng phải đến đầu năm 2022, Bùi Hoàng Việt Anh mới chính thức ra mắt ĐTQG, khi vào sân thay người trong hiệp 2 trận đấu với Trung Quốc, đóng góp vào chiến thắng 3-1 của đội nhà.
Với những kinh nghiệm thi đấu trên ĐTQG như vậy, Việt Anh hiển nhiên được tín nhiệm khi về lại cấp độ U23. Anh đã cùng các đồng đội thi đấu vô cùng thành công tại SEA Games 31 vừa qua. Việt Anh xuất sắc giành tấm HCV môn bóng đá nam thứ hai trong lịch sử, tiếp nối thành công của các đàn anh tại SEA Game 30.
Chỉ ít ngày sau, anh lại khăn gói lên đường sang Uzbekistan để phụng sự đội tuyển tại Vòng chung kết U23 Châu Á. Bên cạnh việc gia cố hàng phòng ngự của Những chiến binh sao vàng, Việt Anh còn trực tiếp đóng góp 1 bàn thắng trong trận đấu với U23 Malaysia vừa qua, qua đó giúp U23 Việt Nam giành vé vào tứ kết lần thứ 2 trong tổng số 5 lần tham dự.
Với những thành công hiện tại, chỉ mong rằng Bùi Hoàng Việt Anh sẽ không ngủ quên trên chiến thắng, tiếp tục phát triển bản thân. Tài năng là điều không phải bàn cãi ở cầu thủ sinh năm 1999 và tấm băng đội trưởng của tuyển U23 Việt Nam chắc chắn chỉ mới là sự khởi đầu.
Ảnh: Internet